Lịch sử khí tượng Bão Nora (1973)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào ngày 30 tháng 9 năm 1973, một vùng áp suất thấp yếu đã phát triển trong một rãnh gió mùa tại địa điểm cách Yap khoảng 195 km (120 dặm) về phía Nam. Tiếp theo hệ thống trôi dạt về phía Tây Bắc, dần tổ chức thành một áp thấp nhiệt đới trong ngày 2 tháng 10. Đến cuối ngày hôm đó, máy bay thám trắc chỉ ra rằng áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới, và tại thời điểm đó nó đã được đặt tên là Nora.[1] Không lâu sau, sự chuyển động của Nora trở nên chậm và thất thường, với việc cơn bão đã thực hiện một vòng lặp ngược chiều kim đồng hồ trong ngày 3 tháng 10.[1][2] Sau khi hoàn thành vòng lặp, Nora đã đạt tới trạng thái bão cuồng phong và di chuyển theo một quỹ đạo tạm thời lên phía Bắc.[1] Do ở gần Philippines, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cũng đã theo dõi cơn bão và chỉ định cho nó một cái tên địa phương là Luming.[3] Vào cuối ngày 4 tháng 10, Nora bắt đầu trải qua giai đoạn mạnh lên nhanh chóng.[2] Một vài chiếc máy bay thám trắc thuộc Phi đội Thám trắc Thời tiết 54 của Không quân Hoa Kỳ đã bay vào bên trong cơn bão tại thời điểm giữa ngày 5 và 6 tháng 10, ghi nhận một sự tăng cường mạnh mẽ.[4]

Vào tối ngày 5 tháng 10, Nora đạt đến vận tốc gió vượt quá 260 km/giờ (160 dặm/giờ), đạt cấp siêu bão tương đương với bão cấp 5 trong thang bão Saffir-Simpson.[1] Một nhiệm vụ thám trắc vào trong cơn bão tại thời điểm đó đã phát hiện những thành mắt bão đồng tâm, đường kính đo được lần lượt là 14 (9) và 32 km (20 dặm). Ban đầu, máy bay đã không thể thâm nhập vào trong lõi do sự hỗn loạn nghiêm trọng; tuy nhiên họ đã thành công trong nỗ lực thứ hai. Khi ở trong mắt bão, họ đã khám phá ra một trung tâm hầu như không có mây với "một diện mạo amphitheater (nhà hát vòng tròn) hay như một cái bát". Những đám mây tầng tích bị chặn ở một độ cao thấp bất thường 1,2 km (0,75 dặm). Lõi của Nora là đặc biệt ấm, với nhiệt độ đạt gần kỷ lục 30 °C (86 °F) ở mực 700 mb. Vào thời điểm 0020 UTC ngày 6 tháng 10, một dropsonde (thiết bị để thu thập số liệu) được thả bởi nhóm trinh sát đã ghi nhận một áp suất bề mặt 877 mbar (hPa; 25,91 inHg) ở ngay đúng thành mắt bão của Nora.[4] Lúc đó, vận tốc gió tối đa ước tính đạt 295 km/giờ (185 dặm/giờ).[1] Những giá trị này đã xếp Nora là xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất tại thời điểm đó, ngang bằng với bão Ida năm 1958. Tuy nhiên, trong những phân tích sau cơn bão, đã ghi chú rằng vì dropsonde không ghi nhận được một áp suất ở tâm bão, do vậy Nora nhiều khả năng mạnh hơn so với những thông số đã được chỉ ra.[4] Sau này, đã có hai cơn bão khác vượt qua được cường độ của Nora: bão June năm 1975 và bão Tip của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 1979.[5][6]

Dù cường độ là rất mạnh, cơn bão đã bắt đầu suy yếu khi nó tiến gần Philippines trong ngày 6 tháng 10. Trong vòng 10 tiếng, áp suất đã tăng lên 894 mbar (hPa; 26,40 inHg) và sau đó cường độ đã suy giảm xuống dưới ngưỡng bão cấp 5.[1][4] Sáng ngày mùng 6, Nora chuyển hướng nhiều hơn sang Tây Bắc do sự suy yếu của áp cao cận nhiệt và một rãnh thấp ngắn đang tiếp cận từ phía Trung Quốc.[1] Quá trình suy yếu đều đặn tiếp tục trong hơn một vài ngày sau, với việc cơn bão đi sượt qua cực Đông Bắc Luzon, Philippines vào ngày mùng 7, vận tốc gió khi đó đạt 175 – 185 km/giờ (110 - 115 dặm/giờ).[1][2] Trong ngày hôm sau, cường độ của Nora chững lại với vận tốc gió ở ngưỡng khoảng 130 km/giờ (80 dặm/giờ) khi nó di chuyển trên eo biển giữa PhilippinesĐài Loan.[1] Sau khi đi qua khu vực cách Đài Loan khoảng 95 km (60 dặm), Nora đã chuyển hướng nhiều hơn lên phía Bắc trước khi đổ bộ gần Hạ Môn, Phúc Kiến vào sáng ngày 10 tháng 10 với cường độ bão cấp 1. Trên đất liền, cơn bão đã nhanh chóng suy thoái xuống thành một vùng áp thấp trước khi tan vào ngày hôm sau.[1][7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão Nora (1973) http://baseportal.com/cgi-bin/baseportal.pl?htx=/m... http://books.google.com/books/about/Climatological... http://news.google.com/newspapers?id=58lhAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=HutRAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=Kt8zAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=rBldAAAAIBAJ&... http://storm5.atms.unca.edu/browse-ibtracs/browseI... http://www.hko.gov.hk/publica/tc/tc1973.pdf http://www.jma.go.jp/en/typh/ http://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-h...